14:09:55 | 10:01:25 |
Tác Giả: Hùng Sơn
Vào thập niên 60, những người tò mò, hoặc tin tưởng vào bùa ngải, ít ai không biết tới thầy Mười ở cầu Bình Lựi, ông vào khoảng 70 nhưng thân thể rất tráng kiện, nước da ngăm đen, người hơi lùn. Những lời đồn đãi chung quanh cuộc sống của thầy Mười nhiều khi nghe tới rợn người. Những quyền phép mà người ta nói về ông vượt xa óc tưởng tượng của các nhà văn chuyên viết về chuyện ma quái.
Từ Sàigòn đi tới cầu Bình Lợi, cách khoảng 500 thước gần tới chân cầu, một con đường đất nhỏ bên tay phải dắt tới những thửa vườn dừa, cam và mận đầy ăm ắp. Vô trong chừng hơn cây số, quẹo tay trái, gặp ngay một căn nhà ba gian hai trái, có mái ngói đỏ bạc mầu, đó chính là nhà thầy Mười.
Thầy Mười sống với vợ con, nhiều người ngạc nhiên về số tiền thầy kiếm được hàng tháng không phải là ít, vậy mà thầy Mười sống rất lam lũ, vợ con hàng ngày nấu xôi đi bán rạo kháp vùng. Khi bước chân vô nhà thầy Mười, trong căn phòng khách, chẳng ai có thể tin được ông già này lại là một ông thầy bùa nổi danh như vậy.
Trong phòng khách, một chiếc bàn gỗ mộc mạc, sáu cái ghế đơn sơ, trên bàn lót miếng kiếng, ở bên dưới tấm kiếng, mấy tấm hình vợ con xếp lung tung trông thật quê mùa. Một bình trà và mấy cái chén nhỏ để trong chiếc khay bằng nhôm cũ đã tróc nước sơn. Thầy Mười tiếp khách ở đây.
Ngồi trong phòng khách nhìn ra vườn, quả là một khung cảnh nên thơ, có lẽ thầy Mười đã tốn rất nhiều công phu cho vườn cây trái này.
Những mùa trái cây nở trộ, khách Sàigòn tới vườn cây của thầy Mười, ít ai muốn về, nhất là vào dịp hè, trời Sài gòn nóng nực, trai gái kéo xuống vườn trái cây của thầy Mười tình tự, nô đùa thật thích thú. Nhưng ngay trong vườn cây, một cái am nho nhỏ, chiều dài khoảng 6 thước, chiều ngang hơn 3 thước, nằm lạnh lùng, mặc dù chưa tới gần, mọi người đã ngửi thấy mùi nhang trầm thơm ngát mùi thơm không lấy gì làm lạ với những người mộ đạo Phật, vì đấy cũng chỉ là những loại nhang thơmbán đầy dẫy ở ngoài chợ và chùa chiền nào cũng có.
Nhưng không hiểu sao, mùi nhang này tỏa ra từ căn nhà nhỏ bé kia, có một sức quyến rũ lạ lùng. Tuy nhiên, khi bước chân tới gần căn nhà nhỏ đó, ai cũng có cảm giác lành lạnh rợn người, như phải băng qua một bãi tha ma vào những đêm trời tối. Mọi người đều biết đó là nơi thầy Mười thờ phượng và luyện phép, nuôi ngải. Chưa có một người nào có đủ can đảm bước vào nơi đây một mình, kể cả những thầy bùa của những môn phái khác, dù cho đã từng đi lại với thầy Mười nhiều lần. Người ta gọi đây là Am Thầy Mười nơi bất khả xâm phạm và là trung tâm của những chuyện kỳ bí ghê hồn.
Lần đầu tiên San được gặp thầy Mười vào một ngày hè, trời thực oi bức. Buổi sáng hôm đó đã có một trận mưa nho nhỏ, nhưng không làm cho cái nóng của Sàigòn giảm sút chút nào?
Vừa bước vào vườn cây thầy Mười, San đã cảm thấy tâm hồn thực thảnh thơi. Có lẽ mầu xanh của lá, hương thơm của hoa, cũng như dáng dấp của những chùm mận nặng trĩu trên cành làm chàng quên đi một Sàigòn đầy cát bụi.
Hôm nay, San và sư phụ chàng tới gặp thầy Mười có hai mục đích: Thứ nhất là đem một thân chủ xuống cho thầy Mười giúp dùm vài công chuyện nan giải. Thứ hai là thầy Tư muốn giới thiệu San với thầy Mười, vì cách đây mấy tháng, San đã chính thức được làm lễ "Xuất Sư".
Thầy Mười chính là đệ tử duy nhất, xuống núi sau cùng và kề cận Sư Tổ khi mãn phần. Cũng vì lý do này, những sư huynh đệ của thầy Mười rất kiêng nể ông trong đó có sư phụ San.
Được gặp thầy Mười là một điều thích thú. San đã nôn nóng muốn gặp ông từ lâu, nhưng không được phép. Có lẽ với kinh nghiệm nhiều năm, hễ cứ học trò nào đem xuống giới thiệu cho thầy Mười là y như rằng; không sớm thì muộn, thầy Tư mất luôn đệ tử đó!
Họ thường lén lén, lút lút xuống cầu xin thầy Mười chỉ dạy những điều thầy Tư chỉ dành cho những đệ tử đã được làm lễ xuất sư, có nghĩa là có thể lập am thâu đệ tử, quảng bá môn phái.
Những người sau khi đã được làm lễ xuất sư rồi, không bao giừ được nhận người khác làm thầy mình nữa, mặc dù cho có học hỏi ở người đó trăm ngàn phép thuật, cũng chỉ coi là trao đổi và cùng tu luyện mà thôi. Đó là lý do duy nhất San biết tại sao, dù thầy Tư rất quí mến thầy Mười và mà hôm nay chàng mới được gặp thầy Mười. Điều này đã mặc nhiên cho thấy; trên phương diện tu luyện, quảng bá pháp thuật của môn phái đã có sự cạnh tranh thương mại rồi!
Vừa bước chân qua cổng vườn, mấy con chó nhào ra sủa vang, cô thân chủ theo sau vội thụt lại. Thầy Tư cười hì hì, nói lớn:
- Thầy Mười đâu rồi, không ra đuổi mấy con chó quỉ này đi, bộ trốn trong đó đặng tụi tôi nấu xong nồi thịt cầy mới ra phải không?
Tiếng cười thực sảng khoái vang lên làm cho mọi người giật mình. Thầy Mười đang leo xuống từ một cây mận gần đó, vừa cười vừa nói:
- Cứ mỗi lần thầy Tư xuống thăm tôi là hăm thịt mấy thằng đệ tử này của tôi. Bữa nào tôi làm thịt một con xem thầy có dám ăn không?
Trong môn phái điều kỵ nhất là ăn thịt chó. Cũng vì vậy mà mấy ông thầy thường đem vấn đề ăn thịt chó nói chơi hoài.
Có một điều không hiểu tại sao, hồi San chưa nhập môn đã ăn thịt chó nhlều lần mà không thấy khoái khẩu chút nào, nếu không muốn nói là sau này thấy người ta ăn thịt chó là mình còn buồn nôn nữa. Vậy mà sau khi theo thầy Tư học bùa, luyện ngải, thịt chó là món ăn làm San thèm thuồng, tới nhiều khi muốn bỏ thầy, lìa Tổ, để chén một bữa thịt cầy cho thỏa mãn. Cũng vì thế mà chàng hiểu tâm trạng của cả thầy Tư lẫn thầy Mười, thường lôi vấn đề ăn thịt chó ra nói cho đỡ thèm.
Lơn tơn đi ra cổng, thầy Mười vẫn giữ nụ cười thật tươi. Tới đuổi mấy con chó đi, thầy Mười chỉ ngay San nói:
- Có phải chú em này là thầy San đó không?
San giật mình vì không hiểu tại sao thầy Mười lại biết mình, thầy Tư quay qua nhìn San cười hì hì.
- Tôi dám chắc mấy thằng đệ tử tôi đem hình thầy cho thầy Mười coi rồi. Thầy đừng có để thầy Mười dằn mặt đó.
San cười giả lả.
- Dạ thưa thầy con đâu dám. Với thầy Mười thì cần gì phải dằn mặt. Lúc nào con lại không biết đang đứng trước núi Thái Sơn. Là học trò của thầy từ lâu, ai lại không biết thầy Mười là đệ tử cưng của Sư Tổ. Chính thầy là sư huynh của thầy Mười, thầy cũng biết điều đó hơn ai hết mà.
Thầy Tư mỉm cười, ông biết San vừa nhắc khéo thầy Mười thân phận bề trên của mình, điều mà nhiều khi vì tài giỏi hơn thầy Tư, thầy Mười thường né tránh cấp bậc đàn em đó.
Thầy Mười cười lớn.
- Khéo thật, khéo thật. Chỉ một câu nói diện kiến này của thầy San, tôi đã biết thầy Tư chọn không lầm người cho xuất sư. Chẳng bù với đám đệ tử của tôi, không đáng sách dép cho thầy. Thôi, mời tất cả vô nhà đi.
San vừa định nói thêm vài lời tâng bốc, thầy Mười đã quay lưng đi vô trong. Mọi người lẽo đẽo theo sau.
Hình như thầy Mười không chạy, coi bộ ông ta đi rất thong thả mà vừa đó đã tới thềm nhà rồi, trong khi mọi người còn lếch thếch ở mãi ngoài sân.
Thầy Tư lẩm bẩm:
- Lại giở trò rồi, đó là phép thâu đất. Đi một bước bằng ba. Tôi biết, hễ gặp đệ tử mới của tôi là thế nào ông ấy cũng dằn mặt. Chứng nào vẫn tật đó.
San mỉm cười:
- Với ai thì thầy lo, còn con đã xuất sư rồi, những điều thầy Mười biết, mình cũng biết chứ có lạ lùng gì đâu.
Thầy Tư lắc đầu.
- Thầy lầm rồi, trong môn phái, cả trăm người được xuất sư, nhưng chưa có ai qua mặt được thầy Mười đâu. Nhiều điều thầy Mười làm mà tôi chưa bao giờ được nghe Sư Tổ nói tới, chứ đừng nói là luyện được nữa.
- Như vậy có nghĩa là Sư Tổ mãn phần, thầy Mười đương nhiên là chưởng môn.
Thầy Tư lắc đầu.
- Không phả chỉ vậy, lúc đầu ai cũng tưởng như thế. Khi thầy Mười mang tin Sư Tổ chết về, họp anh em lại, dở bức di chúc của Sư Tổ ra. Ai cũng tưởng là di huấn lập thầy Mười lên làm chưởng môn. Lúc đó, tụi tôi đứa nào cũng lễ mể đem quà tặng tới. Đến khi mở tờ di huấn ra, chỉ có vẻn vẹn mấy chữ:
Phật tại tâm.
Bạo phát bạo tàn.
Hồn ai nấy giữ.
Chân không.
Đúng là nét chữ của Sư Tổ, mọi người hoảng kinh vì biết là Sư Tổ không chỉ định chưởng môn mà để lại một lời cảnh cáo thôi.
Tuy nhiên, hai chữ cuối cùng "Chân không" thì quả thực chưa ai hiểu thấu.
Nhiều người lấy thiền triết ra giải nhưng cũng không ổn, vì có nhiều lẽ nghịch lý với môn phái. Cái không không của nhà Phật cũng chẳng hạp với những gì các đệ tử trong môn phái đã học được. Bởi vậy, cho tới giờ này, di huấn vẫn là một điều bí mật.
- Bây giờ tờ di huấn đó ở đâu hả thầy?
- Để ở trong am thầy Mười.
Con muốn coi được không?
- Ai coi mà không được, duy chỉ có điều thầy Mười lộng vô khuôn lớn để sau lưng tượng Phật Tổ, gắn liền vào tường, che màn lên nên không gỡ ra được.
- Trong số các thầy, bộ không ai muốn giữ tờ di huấn của Sư Tổ à?
- Ai mà không muốn, nhưng mà thầy Mười đâu phải tay dở!!
Tự nhiên San linh cảm có điều gì không ổn. Di huấn của Sư Tổ chưa được hiểu rõ ràng và đó cũng là những lời duy nhất của vị Sư Tổ sau cùng để lại. Nay thầy Mười giữ để thờ phụng. Như vậy, có khác gì chính thầy Mười là chưởng đâu.
Những đệ tử được xuất sư có ai lại không muốn được tận mắt nhìn thấy di huấn này. Như vậy có nghĩa là phải tới bái kiến thầy Mười để được nhìn thấy di huấn. Hơn thế nữa, thầy Mười lại là người xuống núi sau cùng và chôn cất Sư Tổ, thử hỏi những bửu bối của ngài hiện ai giữ, nếu không phải là thầy Mười.
Nghĩ vậy nên San hỏi thầy Tư:
- Thưa thầy, ngoài di huấn đó ra, thầy Mười còn đem xuống núi những gì khác không?
Thầy Tư gật đầu:
- Không ai biết hết được những gì thầy Mười đem từ núi xuống.
- Nhưng ít nhất lúc Sư Tổ còn sống, cũng có người lên thăm nuôi và biết được Sư Tổ có những gì chứ?
- Mấy năm chiến tranh lan rộng, không còn ai dám lên núi gặp Sư Tổ nữa. Chỉ còn thầy Mười là người duy nhất ở trên đó thôi, đến lúc Sư Tổ chết, cũng phải là gần mười năm xa lìa đám đệ tử. Những gì sau này Sư Tổ luyện được đâu có ai biết, ngoài thầy Mười.
- Nếu vậy tại sao Sư Tổ không cho thầy Mười làm chưởng môn?
- Ai lại không biết tâm tánh thầy Mười. Ông nổi tiếng về chuyện tà ma thôi. Những điều tốt lành không làm ông có hứng thú.
Nói tới đây, mọi người đã đi tới thềm nhà.
Thầy Mười đang đứng ở đó chờ, ông nhìn San tủm tỉm cười:
- Hôm nay thầy San tới đây, chắc chắn phải ở lại đây tới sáng mai rồi. Nghe nói thầy làm ở Cục An Ninh cũng được tự do lắm, không phải trực gác gì phải không?
- Dạ, con lo phận sự ở ngoài nên miễn trực gác.
- Đi lính như thầy khỏe ru, chẳng bù với mấy thằng đệ tử tôi; đi hành quân mút mùa, lâu lâu mới được về, bởi vậy chẳng có đứa nào tu luyện được môn nào cho ra hồn cả!
Thầy Tư mỉm cười nói vô:
- Tôi cũng may mắn có được thầy San, nếu không cũng chẳng biết phải làm sao. Tụi mình già quá rồi mà đệ tử chẳng có đứa nào đủ sức cho xuất sư cả. Nghĩ cũng buồn.
Thầy Mười trầm ngâm:
- Cái kiểu này, chiến tranh kéo dài rồi lấy ai nối nghiệp mình đây. Dù cho có xuất sư được mười ông thì chỉ vài năm sau cũng có tới tám ông bỏ cuộc, còn hai ông đi vào đường bá đạo, làm tan nát hết, lúc ấy Tổ cũng bỏ, Phật cũng chê mà thôi.
Bỗng thầy Tư cười lớn, nói nửa đùa nửa thật:
- Hôm nay mới nghe được thầy Mười nói một câu nhơn đức.
Thầy Mười cười ha hả, nói với San:
- Thầy San đừng có nghe lời thầy Tư mà nghĩ xấu cho tôi nhé. Dù mình có luyện tà ma nhưng ăn hiền ở lành. Trời Phật cũng độ.
San nói bọc theo:
- Dạ, thầy bà cốt giừ được cái đức là Trời thương rồi. Còn chánh hay tà là người đời gán ghép đâu có quan hệ gì.
Nghe San nói, thầy Mười có vẻ khoái lắm. Ông nhìn thầy Tư cười hể hả:
- Thầy Tư nghe chưa. Tôi bắt đầu khoái thầy San rồi đó. Tôi bảo đảm với thầy, nếu Sư Tổ còn sống, chắc chắn ngài cũng vui lắm. Không lý chức chưởng môn lại lọt vào tay đời sau chúng hay mình sao?
Thầy Tư chỉ mỉm cười, ông nhìn San nhắc lại một phần lời di huấn của Sư Tổ:
Phật tại tâm. Hồn ai nấy giữ nghe thầy San.
San lật đật nói:
- Dạ... dạ, thầy Mười thương thì nói nhưvậy thôi, con biết mình hơn ai hết mà. .
Đến bây giờ thầy Tư mới chỉ người con gái đi theo, nói với thầy Mười:
- Đây là cô Lệ, chủ quán rượu bán cho Mỹ ở Sàigòn. Cô Lệ theo tôi cũng lâu, nay tôi muốn đem cô ấy lên đây nhờ thầy giúp một tay.
Bỗng thầy Mười bật cưừi ha hả:
- Sao khéo quá vậy, không lý là cái duyên của thầy San.
San lật đật nói ngay:
- Thưa thầy, con với cô Lệ không có gì đâu, cô Lệ cũng biết mà.
Từ lúc tới đây tới giờ, Lệ chỉ lẽo đẽo theo sau mọi người, bây giờ nàng mới lên tiếng:
- Dạ thưa thầy Mười, con-lên đây để xin thầy ít món đồ về buôn bán thôi chứ con với thầy San là chỗ quen biết lâu rồi. Con không dám nghĩ tới chuyện khác đâu.
Thầy Mười mỉm cười:
- À, tôi có nói gì chuyện này nọ đâu. Tôi nói cái duyên là hôm nay ông Tổ trong cây chuối hột của tôi luyện đúng 100 ngày. Đang cần một nam một nữ để thỉnh ông Tổ ra. Tôi già rồi, luyện ba cái phép này tội nghiệp quá, hơn nữa, kiếm mấy đệ tử nữ cho loại bửu bối này cũng khó. Cái này chỉ hạp cho các cô cần để mồi chài đàn ông thôi. Hôm nay cũng có một bà sồn sồn muốn tới thỉnh để mồi chài cái ông quan gì trên quận, xin mở cái quán. Tôi đang định cho bà ta hay, nhưng còn đang chần chờ, vì nghĩ cũng tiếc cho công trình 100 ngày của tôi, chỉ để cho bà ta xin giấy phép mở cái quán cốc thì uổng quá. Bây giờ có cô và thầy San ở đây quả là cái duyên rồi. Thầy San học được bửu bối mà chính thầy Tư là sưphụ của thầy San cũng chỉ nghe nói mà chưa luyện được. Còn cô gập đúng ngày đem được ông Tổ này về, lo gì làm ăn không khá. Đàn ông sẽ quì dưới chân cô hàng chục đứa cho coi. Nhưng đừng có làm ác, dụ dỗ chồng con người ta mà mang tội đó.
Lệ hớn hở, nói:
- Con xin cám ơn thầy Mười, con xin lỗi đã nghĩ tầm bậy. Xin thầy chỉ cho con phải mua sắm gì bây giờ, con xin đi mua ngay.
Thầy Mười cười hề hề, nói như giễu:
- Phật này không dụng trái cây. Có ai tưởng đến thì xin đi tiền.
Mọi người cùng cười xoà vì cái tếu của thầy Mười. Trong khi đó, thầy Mười luồn tay qua lưng quần, lôi ra một sợi dây cà tha, loại dây được bện bằng chỉ ngũ sắc, có 5 đốt bằng chì cán mỏng, chia sợi dây làm năm khúc, tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Công dụng của loại dây này để độ thân hoặc luyện gồng tùy theo người thầy luyện phép nào vô dây cà tha. Thầy Mười đưa sợi dây cà tha cho San, nói:
- Tối nay đúng nửa đêm, thầy sẽ đưa cô Lệ ra vườn sau, chỗ cây chuối hột tôi luyện bửu bối. Hai người bưng cái tráp nhỏ bằng sừng con tê giác của tôi hứng ngay dưới bắp chuối. Hãy hứng lấy đúng 36 giọt. Trong cái tráp nhỏ bằng sừng tê giác này, tôi có bôi một lớp mỡ voi nên giữ được những giọt nước phép đó trọn vẹn, không thể thấm vào đâu được Khi nào thấy nước không rỉ ra nữa thì phải coi chừng, ngay ở tầu lá chuối non vừa nhú ra, có một ông Tổ nanh heo của tôi được tào lá mới nhô ra đó mang từ dưới gốc cây lên, tôi đã gởi vào thân cây từ 100 ngày trước. Thầy San phải nấm lấy ông Tổ liền, đừng để cho tào lá chuối nở tung ra, hất ông Tổ xuống đất là nước phép hết linh nghiệm ngay. Bởi vì không thể để ông Tổ nhập thổ được. Khi nắm được ông Tổ rồi, thầy bỏ liền vô miệng núc một cái rồi lại bỏ vào miệng cô Lệ để cô ta núc một cái nữa, xong đặt ông Tổ vô cái tráp có mấy hạt nước vừa hứng được, đậy lại là xong.
Lúc nãy, thầy Tư nói thầy San: "Hồn ai nấy giữ là đúng, nhưng sức thầy trong lúc này chưa giữ nổi hồn của thầy đâu bởi vậy tôi mới đưa sợi dây cà tha hộ mệnh của tôi cho thầy. Thầy phải đeo vào tôi mới an tâm được.
San cầm sợi dây cà tha tần ngần. Năm đốt chì cán mỏng để vẽ bùa cuốn vô dây không phải làm bằng chì mà là 5 đốt vàng ròng. Mỗi đốt cũng phải hơn nửa lượng vàng lá. San thắt sợi dây cà tha vào bụng mà nghe hồi hộp lạ lùng.
Thầy Tư bảo chàng:
- Nếu tôi biết luyện phép chuối hột cũng không dám làm. Lấy dây cà tha vàng đâu mà dùng bây giờ.
San cũng đồng ý với thầy Tư ngay:
- Con cũng nghĩ vậy. Dù có học xong pháp môn này cũng đành để đó thôi, lương lính lấy tiền đâu mua vàng lá làm cà tha đây.
Thầy Mười mỉm cười chỉ Lệ:
- Cái đó cô Lệ sẽ lo cho các thầy. Tôi phá lệ lần này, không nhận tiền tổ của cô Lệ. Tôi cho cô đem phép ông Tổ về dùng để mồi chài mấy thằng Mỹ kiếm tiền. Tôi nói trước cho cô Lệ hay, trong vòng mười ngày, cô sẽ kiếm được mười lần hơn số tiền mua vàng để làm sợi cà tha này. Đúng ngày thứ mười một, có một người đàn ông nào cho cô một đồng, cô cứ ỉa ra mang lên đây cho tôi ăn. Còn khi kiếm được nhiều tiền hơn tôi nói, cô phải mua đủ số vàng đem tặng thầy San cho tôi luyện dây cà tha cho thầy ấy, cô có chịu không?
Lệ mừng rỡ nói ngay:
- Dạ... dạ... con chịu, con chịu. Chẳng nói dấu gì thầy, mấy tháng nay ế ẩm, chẳng nói mười ngày mà cả tháng con cũng không kiếm được nhiều tiền như vậy đâu. Nếu có tiền là con mua vàng lên nạp cho thầy San liền.